20/08/2024 10:27:38
Bậc Lương Là Gì
Bạn đã bao giờ thắc mắc làm việc lâu năm nhưng chưa được cấp trên xét duyệt tăng lương không? Hay tại sao mức lương của bạn lại khác so với đồng nghiệp cùng ngành nghề, kinh nghiệm?
Nếu có, bài viết này chính là dành cho bạn!
Chỉ với 5 phút đọc bài viết dưới đây, bạn sẽ hiểu rõ bậc lương là gì? Điều kiện để xem xét nâng bậc lương và thủ tục để nâng bậc lương theo quy định pháp luật hiện hành.
1. Bậc lương là gì?
Bậc lương là số cấp độ thăng tiến về lương trong mỗi ngạch lương của người lao động. Trong mỗi một bậc lương sẽ tương ứng với một hệ số lương nhất định và không tính các khoản như phụ cấp lương, quyền lợi, lương thưởng hay các khoản thu nhập bổ sung khác.
Mỗi ngạch lương sẽ có những bậc lương khác nhau, và số lượng bậc lương trong từng ngạch đó sẽ tùy thuộc vào từng đơn vị cụ thể (cán bộ công chức nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, công an nhân dân, các doanh nghiệp nhà nước).
Số bậc lương cơ bản sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cụ thể:
- Quan điểm trả lương trong đơn vị, tổ chức: Nếu mà doanh nghiệp trả lương mang tính kích thích cao người lao động thì số lượng bậc lương sẽ thấp, còn nếu trả lương mang tính quân bình thì số lượng bậc lương trong ngạch sẽ cao.
- Sự chênh lệch giữa mức lương tối thiểu với mức lương tối đa, tương ứng cho các công việc, ngành nghề khác nhau.
- Yêu cầu về đào tạo và độ phức tạp trong công việc: Những công việc có yêu cầu trình độ đào tạo thấp, lao động đơn giản sẽ có số lượng bậc lương ít hơn so với những công việc yêu cầu trình độ đào tạo cao.
2. Điều kiện xem xét bậc lương cụ thể
2.1. Đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp
Điều kiện xem xét bậc lương đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp phụ thuộc vào quy định của từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp trả lương với mục đích kích thích tinh thần làm việc cho nhân viên thì số bậc lương cơ bản sẽ ít. Ngược lại, nếu trả lương theo điểm quân bình thì số bậc lương cơ bản sẽ cao.
Khi nâng bậc lương, doanh nghiệp sẽ dựa vào những điều kiện sau:
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: Đây là điều kiện tiên quyết để người lao động được xét nâng bậc lương. Khi mà người lao động hoàn thành đầy đủ, đúng tiến độ và chất lượng công việc được giao, doanh nghiệp sẽ cân nhắc cho bạn.
- Đạt những thành tích xuất sắc, nổi bật cho doanh nghiệp.
- Dựa vào số năm kinh nghiệm làm việc trong công ty và không vi phạm kỷ luật lao động theo quy định.
2.2. Đối với người lao động làm việc tại cơ quan nhà nước
Theo Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV sửa đổi từ Thông tư 03/2021/TT-BNV quy định công chức được nâng lương thường xuyên khi mà người đó chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, cụ thể chức danh nghề nghiệp viên chức; chức danh chuyên gia cao cấp, chuyên môn; nghiệp vụ Tòa án; ngành Kiểm sát hiện giữ. Đối với trường hợp này, nếu như công chức có đủ điều kiện thời gian giữ bậc lương trong ngạch hay trong chức danh, đồng thời đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên trong suốt thời gian giữ bậc lương thì sẽ được xét nâng một bậc lương thường xuyên.
Điều kiện để xét nâng lương thường xuyên đối với công chức là:
- Chuyên gia cao cấp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì khi đủ 60 tháng ( tương ứng với 5 năm) giữ bậc lương trong bảng lương đó, sẽ được xét một bậc lương;
- Các ngạch, chức danh yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Khi mà cán bộ chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hay chức danh thì khi đủ 36 tháng (sau 3 năm) sẽ được xét nâng một bậc lương.
- Các ngạch, chức danh yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Khi chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hay trong chức danh thì khi đủ 24 tháng (sau 2 năm) sẽ được xét nâng lên một bậc lương.
Tiêu chuẩn để nâng bậc lương thường xuyên:
Đối với cán bộ và công chức:
- Được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
- Không vi phạm kỷ luật trong các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
Đối với viên chức và người lao động:
- Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
- Không vi phạm kỷ luật trong các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
2.3. Thủ tục nâng lương theo pháp luật hiện hành
Dựa trên các cơ sở quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, đơn vị sẽ lập danh sách những cá nhân dự kiến được nâng bậc lương thường xuyên sau trình lên để Thủ trưởng đơn vị trao đổi với cấp ủy và Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp.
Danh sách những người dự kiến nâng lương sẽ được công khai niêm yết bởi Thủ trưởng đơn vị. Đồng thời sẽ giải quyết những vướng mắc của công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên (nếu có). Danh sách được niêm yết sẽ có thời hạn trong 10 ngày làm việc.
Nếu trong danh sách công khai, công chức và viên chức đủ điều kiện, sẽ kèm theo hồ sơ sau:
Hồ sơ nâng bậc thường xuyên:
- Tờ trình của cơ quan, đơn vị về nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Trong tờ trình cần nêu rõ đối tượng được nâng, phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
- Biên bản họp trao đổi đã được thống nhất với cấp ủy Đảng, Ban chấp hành Công đoàn cùng cấp về nâng bậc lương thường xuyên.
- Quyết định nâng bậc lương gần nhất của cán bộ, công chức, viên chức.
- Quyết định bổ nhiệm hay phê chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý gần nhất của cán bộ, công chức, viên chức (đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý).
- Quyết định bổ nhiệm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp; quyết định chuyển xếp ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp mới (nếu có) của cán bộ, công chức, viên chức.
Hồ sơ nâng lương trước thời hạn:
Đối với hồ sơ này thì nâng lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, hồ sơ bao gồm:
- Tờ trình của cơ quan, đơn vị về nâng bậc lương trước thời hạn đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do lập được thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ;
Trong bản tờ trình nêu rõ đối tượng được nâng lương, phải đảm bảo các điều kiện và tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ;
Tỷ lệ % cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nâng bậc lương trước thời hạn / Tổng số danh sách trả lương của cơ quan đơn vị, tính đến ngày 31/12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.
- Biên bản họp trao đổi đã được thống nhất với cấp ủy Đảng, Ban chấp hành Công đoàn cùng cấp về nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong biên bản nêu rõ % số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nâng bậc lương trước thời hạn / Tổng số danh sách trả lương của cơ quan đơn vị, tính đến ngày 31/12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.
- Quyết định công nhận tặng thưởng thành tích xuất sắc của cấp có thẩm quyền.
- Quyết định nâng bậc lương gần nhất của cán bộ, công chức, viên chức.
- Quyết định bổ nhiệm hay phê chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý gần nhất của cán bộ, công chức, viên chức (đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý).
- Quyết định bổ nhiệm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp; quyết định chuyển xếp ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp mới (nếu có) của cán bộ, công chức, viên chức.
- Quy chế nâng bậc lương trước thời hạn đối với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị.
3. Một số câu hỏi liên quan đến bậc lương
Có thể thỏa thuận bậc lương với người lao động không?
Có thể thỏa thuận bậc lương với người lao động. Tùy thuộc vào trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm và những thành tựu của người lao động đóng góp cho công ty, thì cấp trên sẽ xem xét và xét duyệt những cấp bậc lương nào phù hợp nhất và đưa ra quyết định.
=> Xem thêm: Hệ số lương cơ bản cho mỗi bậc lương là bao nhiêu?
Trên đây là toàn bộ những thông tin xoay quanh về bậc lương là gì và những điều kiện để xem xét nâng bậc lương đối với người lao động khi làm việc tại doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Nếu còn câu hỏi nào thắc mắc, hãy liên hệ với SIS Việt Nam qua Hotline 0912 210 210 để được giải đáp thắc mắc!
phần mềm của SIS