12/07/2025 11:19:30
Ma trận BCG là gì
Bạn có từng bối rối khi phải quyết định nên đầu tư tiếp cho sản phẩm nào, giữ lại cái nào hay loại bỏ cái nào trong hàng loạt danh mục kinh doanh của doanh nghiệp?
Làm sao để biết đâu là “gà đẻ trứng vàng”, đâu là sản phẩm đang ngốn tiền mà chẳng mang lại lợi ích gì?
Ma trận BCG chính là công cụ chiến lược giúp bạn trả lời những câu hỏi đó một cách rõ ràng và hiệu quả. Với cấu trúc đơn giản nhưng sâu sắc, mô hình này giúp doanh nghiệp phân loại sản phẩm dựa trên thị phần và tốc độ tăng trưởng, từ đó tối ưu hóa nguồn lực và ra quyết định thông minh hơn trong quản trị danh mục.
Vậy Ma trận BCG là gì? Hãy tìm hiểu ngay bài viết dưới đây để nắm rõ hơn nhé!
1. Ma trận BCG là gì?
Ma trận BCG (Boston Consulting Group) là một công cụ phân tích chiến lược kinh doanh, được phát triển bởi Bruce Henderson - doanh nhân và chuyên gia quản lý người Mỹ vào những năm 1970. Theo đó, ma trận này được xếp vào những thành phần tương ứng như sau: Ngôi sao (Star), Con bò (Cash Cows), Con chó (Dogs), Dấu hỏi (Question Marks).
Dựa vào ma trận BCG, các doanh nghiệp sẽ đánh giá và đề ra chiến lược bán, đánh giá vị thế cạnh tranh trên thị trường và tiềm năng phát triển của sản phẩm/dịch vụ đang kinh doanh trong doanh nghiệp. Vì vậy, ma trận BCG được gọi là ma trận danh mục sản phẩm.
Sử dụng ma trận BCG giúp doanh nghiệp phân bổ nguồn lực hiệu quả giữa các sản phẩm/dịch vụ, định hướng chiến lược và đánh giá sự cân bằng trong danh mục đầu tư của công ty.
2. Cấu trúc của ma trận BCG:
Ma trận BCG được thể hiện dưới dạng một lưới 2x2, gồm 2 trục chính. Trục X sẽ tương ứng cho thị phần và trục Y sẽ thể hiện tốc độ tăng trưởng của thị trường. Cụ thể như sau:
- Trục hoành (X): Tại trục này doanh nghiệp sẽ so sánh các phần của sản phẩm/dịch vụ so với đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong cùng thị trường. Thông thường cách tính này tính như sau, lấy thị phần của sản phẩm chia cho thị phần của đối thủ dẫn đầu. Nếu như thị phần cao sẽ là sản phẩm dẫn đầu thị trường, ngược lại nếu thị phần thấp sẽ là sản phẩm yếu thế hơn so với đối thủ.
- Trục tung (Y): Đối với trục này, doanh nghiệp sẽ đo lường mức độ tăng trưởng của thị trường mà sản phẩm/dịch vụ đang hoạt động. Mức độ tăng trưởng sẽ được biểu thị bằng phần trăm tăng trưởng hàng năm. Đối với mức cao, thị trường thể hiện rằng đang phát triển nhanh, nhiều cơ hội. Còn đối với mức thấp, thì thị trường tăng trưởng chậm, ít cơ hội mở rộng.
Dựa trên cơ sở hai trục này, ma trận BCG được chia thành 4 khu vực chính, theo đó ma trận sẽ hoạt động theo nguyên lý, thị phần và mức độ tăng trưởng. Dưới đây là cấu trúc từng ô trong ma trận, gồm đặc điểm, ý nghĩa chiến lược và ví dụ:
2.1. Ngôi sao (Star):
Ngôi sao là những sản phẩm có thị phần cao trong thị trường tăng trưởng nhanh, nằm ở góc đầu tiên ở bên trái. Đây là các sản phẩm chủ lực, dẫn đầu ngành, mang lại doanh thu lớn nhưng cần đầu tư mạnh để duy trì vị thế. Tuy nhiên, sản phẩm này tạo ra doanh thu cao nhưng lợi nhuận ròng lại có thể bị hạn chế do chi phí đầu tư lớn . Sản phẩm này có tiềm năng trở thành Bò sữa (Cash Cow) trong tương lai nếu thị trường chậm lại.
Ví dụ: Các mẫu xe điện của Tesla trong thị trường xe điện đang bùng nổ, đây là sản phẩm có thị trường lớn, đem đến dòng tiền ổn định.
2.2. Bò sữa (Cash Cows):
Những sản phẩm/dịch vụ ở góc phần tư bò sữa sẽ có thị phần khá cao nhưng tốc độ tăng trưởng của thị trường lại thấp hoặc đã bão hòa. Sản phẩm này có thể mang lại doanh thu và lợi nhuận ổn định nhờ vị thế dẫn đầu và chi phí vận hành thấp. Đây chính là nguồn tiền chính để tài trợ cho các sản phẩm khác, đặc biệt là “Dấu hỏi” và “Ngôi sao”.
Để sử dụng tốt chiến lược này, doanh nghiệp cần tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách giảm chi phí và tăng hiệu quả. Đồng thời, duy trì thị phần thông qua các chiến lược như giảm giá hay khuyến mãi. Bên cạnh đó, công ty sử dụng dòng tiền để đầu tư vào các sản phẩm khác hoặc đổi mới sáng tạo.
Ví dụ: Đối với dịch vụ GrabBike tại Việt Nam, chiếm thị phần lớn khoảng 42% (Theo báo cáo thường niên 2024 về các ứng dụng gọi xe công nghệ tại Việt Nam), nhưng thị trường lại đang chững lại, tuy nhiên thì vẫn tạo dòng tiền ổn định.
2.3. Dấu hỏi (Question Marks):
Đây là những sản phẩm hoạt động trong thị trường tiềm năng, nhưng chưa có vị trí vững chắc và chưa đạt được thị phần đáng kể, chiến lược này nằm ở góc trên bên phải. Khi đó, doanh nghiệp cần đầu tư lớn về nghiên cứu, marketing,.. để tăng thị phần. Tuy nhiên, chiến lược này mang tính rủi ro cao vì không chắc chắn sản phẩm sẽ thành công hay trở thành “Ngôi sao”. Ngoài ra, “Dấu hỏi” thường tiêu tốn nhiều nguồn lực mà chưa tạo ra lợi nhuận đáng kể.
Để thực hiện chiến lược này, doanh nghiệp cần đánh giá cẩn thận tiềm năng của sản phẩm, nếu có triển vọng thì nên đầu tư mạnh để giành thị phần. Ngược lại, nếu như không khả thi, lãnh đạo cân nhắc rút lui để tránh lãng phí tài nguyên.
Ví dụ: Các sản phẩm công nghệ mới của công ty khởi nghiệp trong thị trường AI hoặc blockchain, trong những năm gần đây thị trường tăng nhanh nhưng thị phần còn nhỏ.
2.4. Chó (Dogs):
Đặc điểm của chiến lược này là sản phẩm/dịch vụ có thị phần nhỏ trong thị trường bão hòa hoặc suy thoái, nằm ở góc dưới bên phải. Sản phẩm này thường không mang lại lợi nhuận đáng kể hoặc thậm chí thua lỗ. Đồng thời, chi phí để duy trì có thể cao hơn giá trị mà sản phẩm mang lại. Bên cạnh đó, đây là dòng sản phẩm ít có tiềm năng phát triển hoặc cải thiện vị thế.
Khi triển khai chiến lược này, doanh nghiệp nên cân nhắc rút lui hoặc thoái vốn khỏi sản phẩm/dịch vụ, giảm đầu tư, tập trung vào việc cắt giảm chi phí nếu vẫn duy trì. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp cần giữ lại sản phẩm để phục vụ một nhóm khách hàng nhỏ nhưng trung thành.
Ví dụ: Những dòng sản phẩm điện thoại đời cũ, không còn tương thích với các công nghệ trong thời đại hiện nay.
3. Ưu nhược điểm của ma trận BCG:
Ưu điểm:
- Dễ hiểu và sử dụng: Ma trận BCG chỉ với 4 chiến lược với 2 yếu tố chính là thị phần tương đối và tốc độ tăng trưởng của thị trường, nhằm đánh giá vị thế cạnh tranh của sản phẩm/dịch vụ. Vì thế, ma trận BCG rất dễ áp dụng cho các doanh nghiệp, gồm cả lớn, vừa, nhỏ.
- Có thể áp dụng cho nhiều ngành nghề: Cho dù bạn đang kinh doanh sản phẩm/dịch vụ nào, ma trận BCG đều rất dễ áp dụng, từ các ngành sản xuất đến các ngành dịch vụ.
- Định hướng chiến lược rõ ràng: Ma trận BCG cung cấp cái nhìn tổng quan về danh mục sản phẩm, giúp doanh nghiệp xác định chiến lược cụ thể: đầu tư, duy trì, khai thác hay rút lui. Điều này đặc biệt hữu ích trong việc cân bằng giữa sản phẩm sinh lợi và sản phẩm tiềm năng.
- Thúc đẩy quyết định nhanh chóng: Khi bạn đã xác định được sản phẩm/dịch vụ đang ở giai đoạn nào, thì lúc này doanh buộc phải tập trung vào sản phẩm chủ lực, loại bỏ những sản phẩm không sinh lời.
Nhược điểm:
- Quá đơn giản: Đây là ưu điểm và cũng là nhược điểm, ma trận BCG chỉ dựa trên hai yếu tố (thị phần và tốc độ tăng trưởng), mà bỏ qua các yếu tố khác như xu hướng thị trường, hành vi khách hàng hay chi phí cạnh tranh. Điều này có thể dẫn đến đánh giá không đầy đủ về tiềm năng của sản phẩm. Doanh nghiệp cần phải kết hợp với các công cụ khác để phân tích sâu hơn.
- Dữ liệu phụ thuộc vào thị phần và tăng trưởng: Để xây dựng ma trận BCG, doanh nghiệp cần dữ liệu chính xác về thị phần và tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu này có thể khó khăn, đặc biệt với các thị trường mới hoặc dữ liệu không rõ ràng.
- Thiếu tính linh hoạt cho những ngành thay đổi nhanh: Trong các ngành công nghệ, thị trường biến động mạnh, dữ liệu thị phần và tăng trưởng có thể lỗi thời nhanh.
4. Cách vẽ ma trận BCG:
Để vẽ được ma trận BCG giúp bạn hình dung rõ vị trí sản phẩm và đưa ra chiến lược hiệu quả, hãy tham khảo những bước sau đây:
Bước 1: Lựa chọn đơn vị kinh doanh chiến lược:
Tại ma trận BCG, đơn vị kinh doanh chiến lược (Strategy Business Unit) được hiểu là công ty hoặc sản phẩm/dịch vụ. Hay cũng có thể là một bộ phận trong công ty, thương hiệu, sản phẩm đơn lẻ. Việc xác định đơn vị kinh doanh chiến lược sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai những bước sau này, vì vậy doanh nghiệp cần xem xét lựa chọn đúng đơn vị.
Bước 2: Xác định thị phần tương đối:
Doanh nghiệp cần thu thập dữ liệu về thị phần tương đối (tỷ lệ thị phần của sản phẩm so với đối thủ dẫn đầu) và tốc độ tăng trưởng thị trường (thường tính bằng % tăng trưởng hàng năm của ngành). Dữ liệu này có thể lấy từ báo cáo thị trường, nghiên cứu ngành, hoặc số liệu nội bộ.
Công thức tính thị phần tương đối:
Thị phần tương đối = Doanh thu sản phẩm của bạn / Doanh thu của đối thủ lớn nhất |
Bước 3: Xác định tốc độ tăng trưởng của thị trường:
Sự thay đổi của quy mô thị trường trong một khoảng thời gian nhất định thì được coi là tốc độ tăng trưởng của thị trường. Để lấy được dữ liệu, ban lãnh đạo sẽ phân tích doanh thu toàn thị trường từ phòng Kinh doanh, Kế toán. Đồng thời tổng hợp từ thông tin đối thủ cạnh tranh và khách hàng để nắm được một cái nhìn tổng quan nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể lấy báo cáo thị trường, báo cáo ngành của chính phủ, hiệp hội ngành nghề, báo chí uy tín,....
Công thức tính tốc độ tăng trưởng của thị trường:
Tốc độ tăng trưởng thị trường (%) = [ (Doanh thu thị trường năm nay - Doanh thu thị trường năm trước 0 / Doanh thu thị trường năm trước ] * 100 |
Bước 4: Phân loại theo mô hình BCG:
Tại bước này, doanh nghiệp sẽ tiến hành phân loại sản phẩm/dịch vụ theo ma trận BCG, gồm 4 danh mục sau: Bò sữa, Ngôi sao, Dấu hỏi và Con chó. Bước này sử dụng dữ liệu về thị trường tương đối và tốc độ tăng trưởng của thị trường (đã thu thập ở bước trước) để xếp hạng sản phẩm.
Dựa trên dữ liệu thị phần tương đối (trục X) và tốc độ tăng trưởng (trục Y), bạn sẽ định vị từng sản phẩm vào một trong 4 ô của ma trận BCG:
- Bò sữa: Sản phẩm thống trị thị trường bão hòa, mang lại lợi nhuận ổn định. Chẳng hạn như Coca Cola trong ngành nước giải khát.
- Ngôi sao: Sản phẩm dẫn đầu trong thị trường phát triển nhanh, cần đầu tư để duy trì vị thế. Ví dụ như iPhone trong giai đoạn bùng nổ smartphone.
- Dấu hỏi: Sản phẩm tiềm năng nhưng rủi ro cao, cần đánh giá để đầu tư hoặc rút lui. Ví dụ, Công nghệ AI mới của startup.
- Chó: Sản phẩm kém hiệu quả, ít lợi nhuận, nên xem xét loại bỏ. Ví dụ, Máy nghe nhạc MP3 trong thị trường hiện nay.
Bước 5: Ra quyết định:
Bước cuối cùng để thực hiện chiến lược này, bạn sẽ đưa ra quyết định về chiến lược cho từng danh mục mà đã phân loại trước đó.
- Đối với nhóm sản phẩm/dịch vụ thuộc ô dấu hỏi và ngôi sao, ban lãnh đạo cần đầu tư mạnh nhằm phát triển và mở rộng thị phần.
- Đối với nhóm sản phẩm/dịch vụ thuộc ô bò sữa, doanh nghiệp cần duy trì và loại bỏ một số các hoạt động không cần thiết để mang lại dòng tiền ổn định.
- Đối với nhóm sản phẩm/dịch vụ thuộc ô chó, doanh nghiệp nên xem xét loại bỏ, tránh lãng phí nguồn lực, tập trung vào các sản phẩm có tiềm năng phát triển hơn.
5. Cách ứng dụng ma trận BCG trong lập chiến lược:
Phân bổ nguồn lực:
Khi doanh nghiệp phân bổ nguồn lực cho các danh mục sản phẩm/dịch vụ vào những ô tương ứng, ma trận BCG sẽ giúp ban lãnh đạo xác định được chiến lược phát triển. Đồng thời, ma trận BCG giúp ban lãnh đạo duy trì sự cân bằng trong danh mục sản phẩm, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một loại sản phẩm. Cụ thể:
- Tập trung tài chính và nhân lực vào Ngôi sao và Dấu hỏi có tiềm năng để thúc đẩy tăng trưởng.
- Sử dụng dòng tiền từ Bò sữa để tài trợ cho các sản phẩm khác, đặc biệt là Dấu hỏi hoặc Ngôi sao.
- Giảm hoặc ngừng đầu tư vào Chó để tiết kiệm chi phí.
Cân bằng danh mục sản phẩm:
Một danh mục sản phẩm lý tưởng cần cân bằng giữa các ô để đảm bảo tăng trưởng bền vững:
- Ngôi sao cung cấp tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
- Bò sữa mang lại dòng tiền ổn định.
- Dấu hỏi được chọn lọc để đầu tư, tránh lãng phí.
- Chó được loại bỏ để tập trung vào cơ hội tốt hơn.
Theo dõi và điều chỉnh chiến lược:
Thị trường luôn thay đổi, vì vậy cần theo dõi và cập nhật ma trận BCG định kỳ (hàng quý hoặc hàng năm). Một Dấu hỏi có thể trở thành Ngôi sao nếu đầu tư đúng, hoặc một Bò sữa có thể thành Chó nếu thị trường suy thoái. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo cần kết hợp ma trận BCG với các công cụ như SWOT hoặc PEST để có chiến lược toàn diện hơn.
6. Những lưu ý trong quá trình phân tích ma trận BCG:
Đảm bảo dữ liệu chính xác và lấy từ nguồn chính thống:
Ma trận BCG phụ thuộc vào dữ liệu về thị phần tương đối và tốc độ tăng trưởng thị trường. Dữ liệu không chính xác có thể dẫn đến phân loại sai và chiến lược không hiệu quả. Vì vậy, doanh nghiệp nên sử dụng nguồn dữ liệu đáng tin cậy như báo cáo ngành, nghiên cứu thị trường từ Statista, IBISWorld, hoặc số liệu nội bộ.
Xác định ngưỡng phù hợp với ngành:
Ngưỡng phân chia giữa tốc độ tăng trưởng cao/thấp và thị phần cao/thấp không cố định mà phụ thuộc vào đặc thù ngành. Ví dụ, trong ngành công nghệ, tốc độ tăng trưởng 10% có thể được coi là thấp, nhưng trong ngành thực phẩm truyền thống, đó là cao. Cho nên cần phải điều chỉnh ngưỡng dựa trên mức trung bình ngành.
Xem xét các yếu tố bổ sung ngoài ma trận:
Ma trận BCG chỉ tập trung vào hai yếu tố (thị phần và tăng trưởng), nên có thể bỏ qua các yếu tố khác như xu hướng thị trường, hành vi khách hàng, chi phí cạnh tranh, hoặc rủi ro pháp lý. Để đưa ra chiến lược toàn diện, ban lãnh đạo cần kết hợp ma trận BCG với các công cụ như SWOT, PEST hoặc phân tích cạnh tranh.
Tránh phụ thuộc quá mức vào ma trận BCG:
Ma trận BCG là công cụ hữu ích nhưng không phải giải pháp toàn diện. Nó có thể đơn giản hóa vấn đề nhưng lại không phù hợp với các ngành phức tạp hoặc thị trường ngách. Vì vậy, doanh nghiệp đừng chỉ dựa vào BCG để ra quyết định mà hãy xem nó như một phần của quy trình chiến lược.
Qua bài viết trên chắc hẳn bạn đọc cũng nắm rõ Ma trận BCG là gì và áp dụng hiệu quả như nào cho doanh nghiệp của mình. Ma trận BCG không chỉ là công cụ phân loại đơn thuần mà còn là kim chỉ nam chiến lược giúp doanh nghiệp nhìn rõ “ai đang nuôi ai”, “ai cần đầu tư”, và “ai nên buông bỏ”. Khi được áp dụng đúng cách, ma trận này sẽ giúp bạn phân bổ nguồn lực hiệu quả, cân bằng danh mục sản phẩm, và vạch ra hướng đi rõ ràng cho từng đơn vị kinh doanh. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, biết đặt đúng sản phẩm vào đúng vị trí chính là bước đầu tiên để ra quyết định đúng đắn.
phần mềm của SIS