31/12/2024 14:41:51
OKR là gì
Theo thống kê từ Mooncamp, có tới 100% các công ty đang áp dụng phương pháp OKR để thúc đẩy chiến lược kinh doanh của mình, đối với 75% doanh nghiệp đang sử dụng OKR để cụ thể hóa và đo lường sự thành công cho chiến lược kinh doanh mà đã đặt ra ban đầu.
Điều này cho thấy rằng OKR đã trở thành một công cụ quản lý phổ biến và hiệu quả trong việc thực hiện chiến lược kinh doanh. Vậy OKR là gì? Tại sao OKR lại hiệu quả đến như vậy? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc cho những câu hỏi này!
1. OKR là gì?
OKR được viết tắt của từ Objectives and Key Results, dịch sang tiếng Việt là Mục tiêu và Kết quả then chốt, đây là một phương pháp quản lý mục tiêu phổ biến, giúp các cá nhân và tổ chức thiết lập, theo dõi các mục tiêu của mình một cách hiệu quả.
ORK bao gồm 02 thành phần chính như sau:
- Objective (Mục tiêu): Đây chính là điểm đến cuối cùng mà cá nhân, tổ chức muốn đạt được. Mục tiêu cần phải rõ ràng, cụ thể, đo lường được, có tính khả thi và bao gồm tính thách thức.
- Key Results (Kết quả then chốt): Đây là những chỉ số đo lường cụ thể, có thể định lượng được để đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu. Kết quả then chốt sẽ phản ánh được sự tiến bộ của cá nhân, nhóm, tổ chức.
Phương pháp OKR được bắt nguồn vào năm 1954, khi mà mô hình MBO ( Quản trị theo mục tiêu) được Peter Drucker phát minh ra. Đến năm 1968, Andrew Grove gia nhập vào Intel và tiếp tục phát triển mô hình MBO thành khuôn khổ OKR như hiện nay.
2. Phân loại OKR:
Phương pháp OKR sẽ được phân loại dựa trên mức độ tham vọng, khả năng đạt được và mục đích sử dụng, cụ thể:
OKR cam kết (Commitment OKR):
Đây là những mục tiêu thực tế, có tính khả thi và có thể đạt được trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với các OKR này, chúng thường được sử dụng để đo lường để đánh giá mức độ thành công của một doanh nghiệp. OKR cam kết sẽ tập trung vào việc cải thiện hiệu suất hiện tại, tối ưu hóa quy trình và đạt được các mục tiêu kinh doanh cốt lõi.
Để xác định được OKR cam kết, cá nhân hay doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi sau:
- Mục tiêu này có quan trọng với mình hay không?
- Mục tiêu này có thể hoàn thành và đạt được trong thời gian đề ra không?
- Mục tiêu này có đo lường và theo dõi được không?
OKR tham vọng (Stretch OKR):
Đây là những mục tiêu đầy tham vọng, vượt ra ngoài khả năng hiện tại của cá nhân hay tổ chức, OKR tham vọng tập trung vào việc tạo ra sự đột phá, đổi mới và phát triển bền vững. Để xác định được OKR tham vọng, cá nhân hay tổ chức sẽ trả lời qua các câu hỏi sau:
- Mục tiêu này có được coi là một bước đột phá và sáng tạo không?
- Mục tiêu này có thể đạt được khi dựa vào nguồn lực và thời gian hiện có không?
- Mục tiêu này có liên quan và đóng góp vào cho mục tiêu chính của cá nhân, nhóm hay không?
Điểm khác biệt rõ rệt giữa OKR cam kết và OKR tham vọng chính là mức độ hoàn thành công việc. Đối với OKR cam kết, kết quả công việc phải đạt tuyệt đối đúng như mục tiêu đã đề ra, nếu như kết quả dưới mức độ đề ra, thì phải điều chỉnh và hoàn thiện cho tới khi đạt chuẩn. Còn đối với OKR tham vọng, nó chỉ đạt được mức kỳ vọng không quá cao, thấp hơn so với OKR cam kết.
3. Lợi ích của OKR:
Thông thường, các doanh nghiệp sẽ đặt ra mục tiêu cho tổ chức mình vào đầu năm, tuy nhiên sau đó, mọi người quên mất mục tiêu này trong vòng 01 tháng. Điều này dẫn tới quản lý hoạt động kinh doanh một cách thụ động, các nhà lãnh đạo gặp khó khăn trong việc đo lường, theo dõi tiến độ và mục tiêu mà nhân viên cần đạt được. Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn lực để đạt được mục tiêu trở nên không hiệu quả, vì thế mọi người cảm thấy không rõ ràng và khó đạt được.
Để giải quyết vấn đề này, các công ty cố gắng đặt mục tiêu trong file Excel hoặc Google Docs, sau đó truyền tải qua Email cho nhân viên của mình. Tuy nhiên, quy trình này tương đối bị động và nhiều doanh nghiệp không thể quản lý hoặc theo dõi tiến độ mục tiêu đặt ra. Chính vì thế, phương pháp thiết lập mục tiêu OKR được áp dụng như một cách gỡ rối khó khăn trên. Sau đây là những lợi ích của OKR:
Đối với tổ chức:
- Tăng tính minh bạch và thống nhất: Khi có mục tiêu cụ thể và kết quả cần đạt được, mọi người sẽ hiểu rõ được công việc mình cần phải hoàn thành để tiến tới mục tiêu chung, điều này tạo ra sự gắn kết và hợp tác chặt chẽ.
- Tăng cường hiệu quả làm việc: Bằng cách tập trung vào những kết quả quan trọng nhất, OKR giúp tổ chức loại bỏ các hoạt động không cần thiết, nhân viên sẽ không bị phân tâm, từ đó tăng năng suất làm việc.
- Đo lường và đánh giá hiệu quả: OKR cung cấp một khuôn khổ rõ ràng để đo lường tiến độ và đánh giá hiệu quả làm việc của từng cá nhân và toàn bộ tổ chức.
- Linh hoạt và điều chỉnh dễ dàng: OKR được thiết lập trong thời gian ngắn, thường là theo quý, giúp tổ chức dễ dàng thích nghi với việc thay đổi. Nếu môi trường kinh doanh thay đổi, các mục tiêu có thể điều chỉnh nhanh chóng để phù hợp với tình hình mới.
- Thúc đẩy sự đổi mới: Với những doanh nghiệp nào đặt mục tiêu lớn, OKR khuyến khích đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng, vượt ra ngoài những gì đạt được, tạo điều kiện cho sự sáng tạo và đổi mới.
Đối với cá nhân:
- Rõ ràng về mục tiêu: Khi mục tiêu được truyền đạt tới cá nhân, bộ phận phòng ban cần phải làm những gì, mọi người sẽ hiểu rõ vai trò và đóng góp của mình tới sự thành công chung của tổ chức.
- Phát triển kỹ năng quản lý thời gian: Nhằm tiến tới kết quả một cách nhanh chóng nhất, các cá nhân cần phải sắp xếp thời gian một cách hợp lý, tập trung vào những việc quan trọng nhất và sắp xếp công việc hiệu quả hơn.
4. Các nguyên tắc của mô hình OKR:
Mô hình OKR hoạt động dựa trên các nguyên tắc cốt lõi nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong công việc quản lý mục tiêu. Dưới đây là những nguyên tắc bạn có thể nắm rõ:
- Tập trung vào mục tiêu:
Mục tiêu cần phải rõ ràng, cụ thể và đủ tham vọng để tạo động lực cho toàn bộ nhân sự trong tổ chức. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cần lưu ý một điều là không nên đặt quá nhiều mục tiêu cùng một lúc, điều này làm phân tán sự tập trung và khó đạt được độ hiệu quả tuyệt đối. Đồng thời, các mục tiêu cá nhân và nhóm phải phù hợp với chiến lược tổng thể của tổ chức.
- Kết quả then chốt cần đo lường được:
Các kết quả đặt ra phải là những chỉ số đo lường được, bởi trong quá trình thực hiện mục tiêu, ban lãnh đạo cũng như các phòng ban cần phải đo lường để điều chỉnh chiến lược, không một mục tiêu nào được khẳng định sẽ diễn ra suôn sẻ từ đầu tới cuối, chính vì vậy các kết quả cần đo lường được. Bên cạnh đó, kết quả then chốt nên phản ánh giá trị mà doanh nghiệp mang lại cho khách hàng, và phải là những mục tiêu mà tổ chức có khả năng đạt được với những nguồn lực hiện có.
- Tính linh hoạt:
Khi xây dựng mục tiêu, điều quan trọng để đạt được nó là phải có những chiến lược linh hoạt, thích ứng với những thay đổi của môi trường. OKR không phải là là một khuôn mẫu cố định, mà cần được điều chỉnh linh hoạt để ứng biến với các rủi ro hoặc khó khăn mà tổ chức gặp phải. Khi cần thiết, các doanh nghiệp có thể thay đổi hoặc loại bỏ một số kết quả then chốt để tập trung vào những mục tiêu quan trọng hơn.
- Có sự tham gia của mọi người:
Để đạt được thành công chung cho tổ chức, thì cần phải có sự tham gia chung của tất cả các thành viên trong phòng ban, mỗi phòng ban sẽ có những nhiệm vụ riêng, nhưng vẫn hướng tới kết quả mà doanh nghiệp đề ra.
- Đánh giá thường xuyên:
Tiến độ thực hiện OKR cần được đánh giá thường xuyên để kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề xảy ra. Qua quá trình đánh giá, tổ chức có thể rút ra bài học kinh nghiệm để cải thiện quá trình thực hiện OKR trong tương lai.
5. Ví dụ về OKR:
Ví dụ OKR cho bộ phận Marketing của một công ty thương mại điện tử:
Mục tiêu: Tăng doanh thu từ sản phẩm mới.
Key Results:
- Tăng tỷ lệ chuyển đổi từ khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực tế lên 25%.
- Tăng doanh số bán hàng sản phẩm mới lên 100.000 đơn vị trong quý 4.
- Giảm chi phí quảng cáo cho mỗi đơn hàng thành công xuống 10%.
Ví dụ OKR cho một dự án phát triển sản phẩm mới:
Mục tiêu: Phát triển thành công sản phẩm mới và đưa ra thị trường.
Key Results:
- Hoàn thành bản beta của sản phẩm vào cuối quý 2.
- Đạt được 10.000 người đăng ký thử nghiệm sản phẩm.
- Giảm chi phí phát triển sản phẩm xuống 10%.
6. Những doanh nghiệp áp dụng thành công OKR:
Từ khi mô hình OKR được ra đời, đã có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng thành công mô hình này để cung cấp kết quả làm việc và đạt được những bước tiến lớn. Dưới đây là một số doanh nghiệp áp dụng thành công mô hình OKR:
- Google: Google là một trong những công ty áp dụng OKR đầu tiên từ năm 1999, khi John Doerr giới thiệu mô hình này. OKR giúp Google duy trì tập trung và sáng tạo ngay cả khi họ đã phát triển thành một tập đoàn toàn cầu.
- LinkedIn: LinkedIn sử dụng OKR để quản lý sự phát triển nhanh chóng của mạng nền tảng chuyên nghiệp nhất thế giới. Mô hình này giúp nhóm tập trung của họ mở rộng số lượng người dùng, tăng cường độ tương tác và phát triển các tính năng mới.
- Microsoft: Dưới sự lãnh đạo của Satya Nadella, Microsoft ứng dụng OKR để thúc đẩy văn hóa hóa công việc linh hoạt và sáng tạo, giúp công ty cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ đám mây và AI. Microsoft sử dụng OKR để định hình lại chiến lược sản phẩm như Office 365, Azure và Teams.
7. Một số câu hỏi thường gặp về OKR:
7.1. Mô hình OKR áp dụng cho doanh nghiệp nào?
Mô hình OKR có thể áp dụng cho rất nhiều loại hình doanh nghiệp, từ các startup nhỏ đến các tập đoàn lớn. Dù bạn đang kinh doanh trong lĩnh vực nào, quy mô doanh nghiệp của bạn như thế nào, OKR đều có thể mang lại những lợi ích đáng kể.
7.2. Làm thế nào để viết OKR hiệu quả:
Để viết OKR hiệu quả, bạn cần hiểu rõ về cấu trúc của OKR và tuân thủ một số nguyên tắc nhất định như đã nêu ở phía trên. Sau khi nắm rõ, bạn sẽ thực hiện các bước sau đây:
- Xác định mục tiêu chung.
- Phân chia các mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ hơn, cụ thể hơn.
- Xác định kết quả cần đạt được, đặt ra các chỉ số đo lường cụ thể cho từng mục tiêu.
- Đảm bảo tính SMART (Cụ thể, đo lường được, có tính khả thi, thực tế, có thời hạn).
- Thảo luận và thống nhất của mọi người.
- Theo dõi và đánh giá.
7.3. OKR là viết tắt của từ nào?
OKR được viết tắt của từ Objectives and Key Results, dịch sang tiếng Việt là Mục tiêu và Kết quả then chốt.
7.4. Ví dụ về OKR cá nhân:
OKR cho mục tiêu cải thiện sức khỏe
Mục tiêu: Cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm 5kg.
Key Results:
- Tập thể dục ít nhất 3 buổi/tuần trong 30 phút mỗi buổi.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Giảm lượng đường tiêu thụ xuống còn 20g/ngày.
- Đạt được chỉ số BMI dưới 25 vào cuối năm.
Qua những thông tin trên, chắc hẳn bạn đọc cũng hiểu rõ về OKR là gì và lợi ích mà nó đem lại. OKR không chỉ đơn thuần là một phương pháp quản lý mục tiêu mà còn là một công cụ chiến lược quan trọng. Bằng cách giúp các doanh nghiệp cụ thể hóa chiến lược, đo lường tiến độ và liên kết toàn bộ đội ngũ, OKR đã trở thành một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của nhiều tổ chức.
phần mềm của SIS